'Những bệnh nấm gây hại quan trọng đối với cây mía của ta hiện nay và biện pháp phòng trừ? '

21/07/2014 | AT : 09:27:29

1. Bệnh Than:

Là bệnh hại mía quan trọng ở nước ta, có mầm móng ở hầu hết các vùng. Tác nhân gây bệnh là nấm Ustilago scitaminea Sydow.

- Triệu chứng: 

  •      Khi bị nấm xâm nhập cây trở nên còi cọc, biến dạng. Từ ngọn mía đâm lên một “roi” than màu đen uốn cong mang đầy bào tử nấm, được bao    bọc bởi một màng trắng mỏng. Các bào tử nấm dễ bung ra bay theo gió, theo dòng nước chảy bám vào cây mía xung quanh, theo bánh xe vận chuyển v.v... lây lan đi rất xa .
  • Tính chất nguy hiểm của bệnh này là mỗi “roi” than mang hàng ngàn bào tử nấm, có khả năng tồn tại rất lâu trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi là phát triển và dễ dàng lây lan trong tự nhiên.

- Biện pháp phòng trừ:

  •   Tuyển chọn giống kháng bệnh, không trồng giống mẫn cảm với bệnh này ở những đất có mầm mống của bào tử nấm.
  • Vệ sinh đồng ruộng và chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng mía. Đối với mía gốc cần vệ sinh kỹ, xử lý loại trừ mầm bệnh trước và sau khi thu hoạch.
  • Trong quá trình chăm sóc mía cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện cây nhiễm bệnh phải chặt gom lại đốt hoặc chôn sâu không để các bào tử nấm lây lan.
  • Áp dụng phương pháp luân canh mía với các cây trồng khác (chủ yếu là cây họ đậu) để làm giảm và loại trừ mềm bệnh, đồng thời cải thiện độ màu mỡ của đất.

2. Bệnh thối đỏ:
Bệnh thường gặp ở hầu hết các giống mía của ta. Tác nhân gây bệnh là nấm Collectotrichum falcatum Went. hoặc Physalospora tucumanesis Peg. Bệnh có thể xâm nhập qua lá, qua thân và qua rễ từ các vết thương ở những bộ phận này.
- Triệu chứng :

  • Ở lá: Bệnh xuất hiện trên gân lá từ một đốm đỏ dầu tiên sau lan ra hết gân lá.
  • Ở thân: Cây mía bị bệnh khi chẻ đôi quan sát có màu đỏ ở một dóng hay nhiều dóng. Bệnh nấm phát triển làm chuyển hoá đường trên mía thành rượu nên còn gọi là bệnh rượu. Cây mía bị bệnh nặng lá khô dần, cây chết khô từng đoạn hay cả cây làm giảm năng suất và tỉ lệ đường trên mía. Ruộng mía bị bệnh nặng mía tái sinh kém.

-Biện pháp phòng trừ :

  • Tuyển chọn giống kháng bệnh. Phòng trừ sâu đục, côn trùng gây hại và tránh làm tổn thương đến các bộ phận của cây mía, hạn chế khả năng xâm nhập của mầm.
  • Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng mía. Ruộng mía để lưu gốc cần vệ sinh, chăm sóc kịp thời ngay sau thu hoạch để loại trừ nấm mống của bệnh.
  • Mía nguyên liệu sau khi thu hoạch cần vận chuyển nhanh về nhà máy chế biến. Không để mía cây đã chặt quá lâu trên đồng ruộng hay sân bãi để tránh không cho nấm xâm nhập phát triển.

3. Bệnh cháy lá:
Một bệnh nấm rất thường gặp trên mía. Tác nhân gây bệnh là nấm Stagonospora sacchari Lo and Ling.
- Triệu chứng:

  • Bệnh xuất hiện trên lá. Vết bệnh lúc đầu nhỏ có màu đỏ hoặc màu cà phê, sau đó phát triển dần thành những hình thoi lớn hoặc không xác định. Vết bệnh thường lan từ mép lá vào trong và từ đỉnh tới bẹ. Lá bị bệnh khô dần.
  • Những bụi mía nhiễm bệnh nặng có thể bị chết khô. Cây mía bị bệnh hoạt động quang hợp giảm, năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía thấp.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Tuyển chọn giống kháng bệnh.
  • Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng. Chọn hom giống trồng không mang mầm bệnh. Ruộng mía để gốc cần vệ sinh chăm sóc kịp thời ngay sau khi thu hoạch để loại trừ mầm bệnh.

4. Bệnh xoắn cổ lá (còn gọi là nấm Pokkah Boeing)
Tác nhân gây bệnh là nấm Gibberella moniliformis.
- Triệu chứng:

  • Khi mía bị nấm xâm nhập, các lá ngọn bị xoắn lại và biến dạng không phát triển, đồng thời xuất hiện những sọc đỏ trên các lá xoắn biến dạng đó. Bệnh tiến triển làm cho ngọn mía bị thối, cây mía sẽ chết hoặc đâm nhiều mầm nách. Ruộng mía bị nhiễm bệnh nặng năng suất mía cây và hàm lượng đường trên mía đều giảm.

- Biện pháp phòng trừ:

  • Tuyển chọn giống kháng bệnh.
  • Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng. Ruộng mía để gốc phải vệ sinh, xử lý và chăm sóc ngay sau khi thu hoạch nhằm loại trừ mầm bệnh.

Nguồn: Thư viện điện tử

 

Tin khác