'Phòng trừ sâu bệnh hại cây mía'

19/07/2014 | AT : 20:32:54

1. Sâu đục thân trên cây mía


Sâu đục thân cây mía có 2 loại là loại sâu đục thân chấm đen và sâu đục thân mình hồng.

Sâu đục thân chấm đen có màu vàng sáng, trên lưng mỗi đốt có 4 chấm đen. Đây là loại sâu đơn thực khi thành trùng là bướm màu vàng nâu, trên cánh có chấm đen, cánh dưới màu trắng. Loại sâu này đẻ trứng ở phiến dưới lá thành 2 hàng chồng lên nhau. Sau khi nở khoảng 2 tuần, sau chui xuống bẹ lá, cũng có khi làm nhộng trong cây mía. Loại sâu này thường gây hại ở đầu thời kỳ cây mía được 1-2 lóng. Cây mía bị sâu tấn công có thể bị héo ngọn, gãy ngang thân cây hoặc bị cằn cỗi không phát triển được. Khi ngọn mía bị gãy, các chồi sẽ lên nhiều và trở thành chồi vô hiệu, dẫn đến năng suất giảm.

Sâu đục thân mình hồng có đặc điểm 2 bên sườn xuống bụng màu trắng. Khi thành trùng thành loại bướm nhỏ màu xám, nâu, cánh có sọc đen, đầu to thô, rậm lông còn gọi là bướm cú mèo. Loại bướm này đẻ trứng thành hàng trong bẹ lá của chồi mía non. Sâu nở ra đục vào thân mía làm thành hang ngầm từ lóng này sang lóng khác, rồi đục lỗ chui ra ngoài làm nhộng ở bẹ lá. Một cây mía có thể có từ một đến nhiều sâu. Loại sâu mình hồng thường tấn công cây mía vào giai đoạn có 5-7 lóng trở lên. Tùy theo vị trí xâm nhập của sâu mà cây có thể bị héo lá, gãy ngang thân, cụt ngọn, đâm chồi nách… Hàng năm thiệt hại do sâu mình hồng với cây mía rất lớn, có vùng năng suất giảm từ 20-30%.

Phòng trừ sâu đục thân, đục ngọn mía là việc tương đối khó khăn không chỉ ở nước ta mà cả các quốc gia có nghề trồng mía phát triển. Để hạn chế sâu đục thân, đục ngọn, nông dân chọn giống kháng sâu đục thân mía. Chuẩn bị đất kỹ trước khi trồng, xung quanh ruộng trồng mía làm sạch cỏ dại, tàn dư thực vật, nếu phát hiện ổ trứng phải đem đi tiêu hủy tránh trứng nở thành sâu lây lan ra diện rộng. Sau khi trồng mía, bón phân đầy đủ, chăm sóc làm cỏ kịp thời. Những ruộng mía để lưu gốc vụ sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh xử lý triệt để mầm mống sâu bệnh.

Trong thực tế, ít người dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu đục thân, đục ngọn, vì dùng không đúng sẽ có tác dụng ngược lại, không diệt được sâu bệnh lại gây hại cho môi trường và tốn thêm chi phí. Vì vậy trường hợp dùng thuốc hóa học nông dân sử dụng hợp lý, phối hợp các phương pháp khác để có hiệu quả cao. Nên thực hiện theo phương châm diệt trừ khi sâu còn nhỏ, còn non. Ngoài ra, nông dân trồng mía nên áp dụng các biện pháp sinh học để kiểm soát sâu đục thân hại mía như bảo tồn thiên địch, dùng ong ký sinh để khống chế sâu đục thân, đục ngọn.

2. Rệp sáp hại cây mía


Rệp sáp hại mía thường phát sinh 6-7 đợt trong năm. Rệp trưởng thành ít di chuyển. Rệp non thường bám vào đốt mía phía trong bẹ lá để hút chất dinh dưỡng. Rệp tiết ra chất ngọt nên tạo điều kiện cho bệnh muội và nhiều loại kiến ăn mật cùng cộng sinh với rệp và giúp rệp phát tán.

Cách phòng trừ rệp sáp là chọn hom mía sạch rệp, bóc bẹ lá và ngâm nước vôi trước khi trồng. Tránh trồng xen kẽ các vụ mía. Khi thấy rệp phát sinh nhiều thì bóc lá và dùng tay để giết rệp hoặc dùng thuốc Supracid 40ND pha với nước, nồng độ 0,1-1,15% phun ướt đẫm khắp thân và lá mía bị bệnh.

3. Bệnh than

Cây mía mắc phải bệnh than năng suất sẽ giảm, bệnh này có ở hầu hết các vùng trồng mía. Khi cây mía bị bệnh thường còi cọc, biến dạng từ ngọn đâm roi dài tới hàng mét, uốn cong xuống được bọc bởi một màng mỏng trắng, trong chứa đầy bao tử nấm dần dần chuyển sang màu đen. Khi bào tử nấm chín dễ dàng bung ra và bay theo gió, nước mưa, lây lan qua các vùng mía khác. Bào tử nấm luôn tồn tại trong đất, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ phát triển gây hại. Cây bị bệnh than thường đẻ rất nhiều nhánh.

Cách phòng trừ bệnh than hiệu quả là trồng giống kháng bệnh. Trước khi trồng, nông dân vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, làm kỹ đất. Với những ruộng mía để lưu gốc sang vụ sau nên vệ sinh, xử lý loại trừ mầm mống của bệnh. Trong quá trình chăm sóc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện cây bị bệnh phải chặt gom ra khỏi ruộng, đốt chôn vùi sâu không để lây lan.

Nguồn : baodongnai.com.vn

Tin khác