'SBT nhận sáp nhập SEC theo tỷ lệ hoán đổi 1:1.05, cổ đông được gì?'

19/09/2014 | AT : 16:59:44

(Vietstock) - ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2014 của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS (HOSE: SBT) đã thông qua phương án nhận sáp nhập CTCP Mía đường Nhiệt Điện Gia Lai (HOSE: SEC). Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 12/2014 và mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.

Trước đó, SEC cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2014 vào ngày 11/09/2014 tại Gia Lai và thông qua phương án sáp nhập vào SBT.

Dự kiến tháng 12/2014 hoàn tất sáp nhập, vốn điều lệ 1,865 tỷ đồng

Trọng tâm của đại hội là phương án nhận sáp nhập SEC đã được các cổ đông thông qua với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1.05 trên cơ sở kết quả mà tổ chức tư vấn BVSC đã định giá tài sản và định giá dòng tiền của hai công ty. Tại đại hội, ông Phạm Hồng Dương - Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS (HOSE: SBT), Phó Chủ tịch TT UBMĐ của Tập đoàn Thành Thành Công - TTC (ThanhThanhCong) cho biết SEC có nhiều nét tương đồng về kỹ thuật, về hệ thống vận hành với SBT nên việc nhận sáp nhập này, SBT sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đồng bộ hoạt động, văn hóa và gia tăng chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, SBT sẽ phát hành thêm 37,142,739 cp cho cổ đông hiện hữu của SEC để hoán đổi lấy 38,999,876 cp SEC. Theo đó, SBT sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất nắm 100% vốn của SEC và SEC sẽ được đăng ký chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên. Sau sáp nhập, SBT và SEC vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường như trước đây.

Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của SBT sẽ tăng 25% lên 1,856 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa và nguồn lực sản xuất lớn nhất ngành đường. Ngoài ra, hiện thanh khoản cổ phiếu của SEC còn thấp trong khi SBT khá sôi động với khối lượng bình quân hơn 250,000 cp/ngày, có phiên lên đến 1,800,000 cp. Nhờ vốn hóa cũng như số lượng cổ phiếu tăng lên đáng kể sau sáp nhập sẽ giúp cổ đông tăng thanh khoản đáng kể trong giao dịch cổ phiếu.


ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2014 của SBT tổ chức tại Tây Ninh chiều ngày 17/09/2014

Ông Phạm Hồng Dương cho biết, với phương án sáp nhập này thì giá nguyên liệu toàn công ty sẽ giảm, sản lượng tiêu thụ tăng, thị trường mở rộng, đa dạng chủng loại hàng hóa, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, từ đó giúp tăng giá trị đem lại cho nhà đầu tư. Trong đó, tổng tài sản đến năm 2015 dự kiến 4,798 tỷ, vốn chủ sở hữu 2,371 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu của SBT dự kiến đạt 3,238 tỷ đồng với thị phần khoảng 11.1% so với toàn ngành đường.

Thêm vào đó, SEC là doanh nghiệp đường có hệ thống phân phối mạnh tại khu vực Tây Nguyên, sẽ giúp SBT mở rộng thị phần ra miền Trung và tiến tới miền Bắc. Như vậy, thông qua sáp nhập, SBT có thể mở rộng thị phần, tăng doanh số và tiết kiệm chi phí nhờ lợi thế về quy mô.

Theo đơn vị tư vấn - CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS), lộ trình cho phương án sáp nhập dự kiến bao gồm khâu chuẩn bị từ tháng 06-09/2014, tiến hành sáp nhập sau khi được sự cho phép của UBCKNN từ tháng 09-11/2014 và hoàn tất thương vụ vào tháng 12/2014.

Kế hoạch tăng sản lượng mía, có dự định niêm yết trên sàn ngoại

Hiện ngành mía đường vẫn đang đối diện với tình trạng thừa cung dẫn đến giá đường thế giới và trong nước đều giảm. Tính đến ngày 15/07/2014, lượng đường tồn kho trong nước gần 460,000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 32,000 tấn, cộng với đường nhập lậu khoảng 500,000 tấn vào Việt Nam.

Ngoài ra, chu kỳ lặp lại 5 năm của mía đường từ 2005-2010-2015, đặc biệt 2014 còn là năm rất khó khăn khi giá đường ở đáy của thế giới. Tuy nhiên SBT không tham gia thị trường theo kiểu “ăn xổi ở thì” mà xác định mang lại giá trị bền vững, cân nhắc điều tiết chi phí để đảm bảo lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông.

Nhận định tình hình ngành mía đường vẫn còn nhiều khó khăn, SBT đã thận trọng đưa ra kế hoạch kinh doanh niên độ 2014-2015 với sản lượng mía ép đạt 870,000 tấn, sản lượng đường thô nguyên liệu 38,683 tấn, đường thành phẩm 120,491 tấn và đường tiêu thụ 125,150 tấn. Riêng sản lượng đường xuất khẩu dự kiến hơn 19,000 tấn đường. SBT vẫn xác định khách hàng kênh công nghiệp là đối tượng chính, chiếm đến 95% cơ cấu khách hàng. Tổng doanh thu thuần (bao gồm phụ phẩm) kế hoạch đạt 2,000 tỷ, trong đó lợi nhuận trước thuế 175.6 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 10-12%.

Theo ông Phạm Hồng Dương, giá đường dự kiến giảm tiếp nhưng bù lại SBT sẽ tăng sản lượng sản xuất đường trong niên độ mới này.

Về kế hoạch tăng vùng nguyên liệu - vấn đề sống còn của công ty, SBT dự kiến sở hữu tối thiểu 3,000 ha đất trồng mía để có vùng nguyên liệu chủ động, chữ đường (CCS) giữ ở mức 9.5%. Công ty đặt mục tiêu tiết giảm giá thành sản xuất ở mức có thể cạnh tranh được với các công ty ngành đường khác khi thị trường mở cửa theo lộ trình AFTA. Bên cạnh đó, SBT cũng sẽ nâng cao chất lượng, tăng năng suất từ 65 tấn/ha lên 80 tấn/ha, giảm 15% chi phí phân bón...


Cổ đông tham dự tại đại hội

Trả lời cổ đông về vùng nguyên liệu của công ty, ông Phạm Hồng Dương cho biết hiện SBT có vùng nguyên liệu riêng ổn định khoảng 1,500 ha và 12,000 ha hợp tác với nông dân. Trong đó, SBT không mua bán qua thương lái mà đầu tư cho người trồng mía 35 triệu đồng/ha với mía tơ và 20-25 triệu đồng/ha với mía gốc.

Bên cạnh đó, nhà máy cồn thực phẩm với công suất 100,000 lít/ngày sẽ giúp SBT giảm giá thành đường ít nhất 500 đồng/kg. Về sản phẩm điện, SBT sẽ nâng lò hơi lên 45 bars, tăng công suất phát từ 24MW lên 34MW, giúp tăng 36% sản lượng phát điện (tương đương 30,000 MWh, doanh thu tăng thêm 36 tỷ đồng. Hiện SBT sử dụng cho tiêu dùng 9MW và 15MW bán cho lưới điện quốc gia. Kế hoạch trong niên độ 2014-2015, lượng điện bán ra sẽ tăng lên 25MW.

Được biết, SBT đã đổi niên độ tài chính 2014 từ 01/01/2014-30/06/2014, với niên độ này, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 1,015 tỷ, lãi trước thuế 60 tỷ đồng và sản lượng tiêu thụ gần 64,000 tấn đường. Như vậy, doanh thu thuần trong kỳ của SBT xấp xỉ đạt kế hoạch với 1,004 tỷ còn lợi nhuận trước thuế vượt 12% kế hoạch và đạt 67 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của SBT đạt 105 tỷ đồng với tỷ suất lãi gộp 10.47 %. Chữ đường bình quân vụ thu hoạch 2013-2014 của SBT đạt 9.5 CCS, tăng 14% so với vụ trước.

Để giúp cổ đông hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh của công ty, ông Phạm Hồng Dương cho biết tương ứng với sản lượng tiêu thụ, lợi nhuận biên trong niên độ 2014 của SBT đạt 500-900 đồng/kg.

Cũng trong niên độ 2014, đã xuất khẩu 868 tấn đường thành phẩm đến thị trường Arab Saudi. Theo ông Phạm Hồng Dương, đây là hoạt động tạm nhập tái xuất của công ty thông qua việc mua đường thô từ nước ngoài và tinh luyện lại.

Tại đại hội, ông Phạm Hồng Dương chia sẻ thêm thông tin về việc SBT đã xuất khẩu đường sang Singapore và nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng tại đất nước này. Đáng chú ý hơn là nhiều nhà đầu tư đã khuyến khích SBT niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài vì điều này là hoàn toàn khả thi.

Vietstock

Tin khác