(CafeF) - Chúng ta có thể yên tâm nói rằng ngành Mía đường đã sẵn sàng đối mặt và hướng đến cạnh tranh quốc tế để khẳng định mình hơn?
Lộ trình AFTA đang cận kề, nhiều ngành nghề kinh tế VN đối diện với thực tế về những yếu kém, hạn chế nội tại khi đặt trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với những thị trường láng giềng như Thái Lan, Malaysia - vốn nổi tiếng là những thị trường sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng tốt.
Một số DN trong thời gian qua đã có những bước chuẩn bị khá chủ động trong đó có các DN ngành mía đường. Câu hỏi đặt ra - liệu đến lúc này chúng ta có thể yên tâm nói rằng ngành Mía đường đã sẵn sàng đối mặt và hướng đến cạnh tranh quốc tế để khẳng định mình hơn?
AFTA – Cơ hội hay thách thức
Theo lộ trình hội nhập quốc tế, các nước ASEAN đã đề ra chương trình Thuế quan Ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) dần cắt giảm thuế quan, loại bỏ các biện pháp bảo hộ và hàng rào thương mại giữa các nước thành viên để hướng đến việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Riêng với ngành đường, thuế suất nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng giảm dần từ năm 2007 là 30%, năm 2008 là 20%, năm 2009 là 10%, năm 2010 đến nay là 5% (với cả đường trắng và đường thô) và từ năm 2015 sẽ về mức 0%.
Biểu đồ thuế nhập khẩu đường theo lộ trình cam kết gia nhập AFTA
Như vậy, thách thức sẽ tiếp nối những thách thức đối với ngành mía đường trong nước, khi phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng nước ngoài bên cạnh những vấn đề còn gây bức bối từ trước đến nay như: hàng tồn kho cao; Trung Quốc đóng biên mậu làm giảm đường tiêu thụ của Việt Nam; đường Thái Lan, Lào, Campuchia tràn vào, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) chia sẻ tại Hội nghị đầu vụ sản xuất 2014-2015 ngành đường TTC tổ chức ngày 09/10/2014.
Ông Lộc cũng cho biết trong vụ 2013-2014, sản lượng đường thế giới đạt kỷ lục 181 triệu tấn trong khi tiêu thụ chỉ 176 triệu tấn với thặng dư gần 5 triệu tấn. Các quốc gia sản xuất đường đều có hàng tồn kho cao. Tại Việt Nam, sản lượng đường sản xuất 1,6 triệu và tiêu thụ 1,4 triệu tấn với giá đường giảm mạnh 19% kể từ đầu vụ.
Cách đây không lâu, tại hội thảo quốc tế “Giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng mía ở Việt Nam”, ông Lộc cũng cho biết trong vụ 2013-2014, năng suất đường của Việt Nam (VN) đạt mức kỷ lục mới với 5,47 tấn/ha, riêng các công ty mía đường thành viên của TTC có năng suất cao hơn bình quân ngành và đạt 5,62 tấn/ha.
Năng suất đường một số nước trên thế giới
ĐVT: tấn/ha
Nguồn: Báo cáo tại hội thảo quốc tế “Giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập
cho người trồng mía ở Việt Nam” của TTC
Để có thể cạnh tranh được với đường ngoại là điều không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh mở cửa tự do và gia nhập AFTA. Tuy nhiên, đứng trước tình hình này, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC, cho rằng, đây là cuộc chơi về đẳng cấp của những doanh nghiệp có sự chuẩn bị bài bản và sự quyết tâm đối diện với thực tế để rèn luyện bản thân doanh nghiệp mình vững vàng hơn trong hội nhập.
Có thể nói như vậy, bởi vì trong suốt thời gian qua TTC đã từng bước tháo gỡ những khó khăn của từng Công ty thành viên ngành đường nói riêng và đó cũng là những khó khăn của ngành đường nói chung. Đối với đặc thù từng Công ty, TTC định hướng phát triển về vùng nguyên liệu, tập trung đầu tư thêm về khoa học kỹ thuật hay phát triển hơn nữa về thương hiệu.... Chính những chính sách đó đã biến những thách thức của việc hội nhập thành cơ hội phát biển bền vững hơn cho các công ty ngành đường. Hay nói khác hơn, TTC đã nhận thấy rằng áp lực của việc hội nhập là một cơ hội để TTC khẳng định mình trong ngành kinh doanh chủ chốt của Tập đoàn.
Đường TTC sánh vai cùng đường ngoại
Năm 2014, ngành đường TTC đã đón nhận tin vui khi những lô hàng đường đầu tiên đã được xuất khẩu sang Singapore. Hiện TTC đang được đề nghị xuất khẩu tiếp qua những quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia. Như vậy, ngành đường TTC đã và đang khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Riêng bài toán giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài vẫn đang trong lộ trình TTC đã vạch ra. Cụ thể, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành đường TTC luôn chú trọng đầu tư nâng cấp cho các nhà máy, đầu tư sản xuất các sản phẩm cạnh đường, sau đường. Nhà máy Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC) đang khẩn trương với dự án nâng cấp nhà máy với công suất ép mía từ 3.200 TMN lên 6.000 TMN; Dự án hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất cồn thực phẩm có công suất 25 triệu lít/năm cùng với đối tác ED&Fman là một trong số những giải pháp mà TTC đang triển khai.
Theo chia sẻ từ ông Phạm Hồng Dương, Thành viên HĐQT SBT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mía đường TTC, hiện TTC đang tiến hành sáp nhập các công ty mía đường như Ninh Hòa (HOSE: NHS) vào Biên Hòa (HOSE: BHS) và SEC vào SBT nhằm phát triển và tăng sức cạnh tranh nhờ lợi thế về quy mô, mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật. Với TTC, ổn định vùng nguyên liệu là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển. Điều này gắn liền với việc giữ vững năng lực sản xuất của nông dân. Doanh nghiệp không hoạt động theo kiểu “ăn xổi ở thì” mà phải có trách nhiệm để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía.
Thời gian qua, TTC đã đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác quốc tế.
Trong ảnh: Ông Phạm Hồng Dương - Phó chủ tịch thường trực của Ủy Ban mía đường
ký hợp tác với đối tác Tập đoàn ED&Fman để phân phối sản phẩm đường ra thị trường thế giới
Với tổng hòa các giải pháp trên, TTC tin rằng sẽ giải được bài toán về giá thành sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Ý thức được muôn vàn khó khăn khi hội nhập, cạnh tranh với những Doanh nghiệp nước ngoài nhất là những quốc gia có tên tuổi trong ngành mía đường và được sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi các chính sách bảo hộ của nhà nước, TTC vẫn xem đây là cơ hội cho chính mình để khẳng định hơn nữa vị thế tại thị trường nội địa và cả trên trường quốc tế. Hơn bao giờ hết, ở sân chơi lớn, quy luật thị trường sẽ nghiêm khắc với những Doanh nghiệp yếu kém. TTC đã chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, tự tin bước vào sân chơi có đẳng cấp để cạnh tranh với đường ngoại khi lộ trình gia nhập AFTA hoàn tất.
Giá đường thế giới sẽ tăng mạnh trong vụ 2014 -2015
Ngành đường thế giới đang trong cuộc khủng hoảng, lợi nhuận thấp do giá giảm mạnh sau nhiều năm dư thừa trên toàn cầu đã khiến nhiều nhà máy đường trên thế giới phải đóng cửa.
Cụ thể, ngày càng có nhiều nhà máy đường ở Brazil – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới sẽ đóng cửa. “Các nhà máy vẫn đang thi nhau đóng cửa và họ có thể kéo dài thời gian ngừng hoạt động dù công suất sản xuất của Brazin xuống dưới mức cần thiết”, Tom McNeill, giám đốc công ty Green Pool Commodities ở Australia nhận định và thêm rằng: “Có khả năng năm tới sẽ có thêm 5 đến 10 nhà máy nữa của Brazin sẽ đóng cửa”.
Trong khi đó, các nhà máy của Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, cho biết họ sẽ ngừng ép mía trong mùa 2014-2015 do chính phủ ấn định mức giá mía mà các nhà máy phải thu mua của nông dân cao song các nhà máy sản xuất lại đăng thua lỗ nặng. Điều đó khiến Ấn Độ buộc phải sử dụng đường dự trữ với tốc độ nhanh hơn thông thường và quốc gia này phải tăng nhập khẩu.
Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng tới sản lượng đường trên toàn cầu và giá đường sẽ tăng mạnh trở lại trong thời gian tới.
CafeF